eService logo

TRUNG TÂM GIẢI PHÁP DỊCH VỤ SỐ

Giải pháp dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin

TIN TỨC

>Nhân vật và Sự kiện 

 Thứ hai 00:15 21/02/2011 GMT+7

Kim Ngọc - Một trí tuệ “ngược dòng” táo bạo-Kỳ VII: Tất cả là của dân

Trong những ngày tôi ở Vĩnh Phúc tìm hiểu cuộc đời của ông Kim Ngọc để làm phim, khi thì gặp các cán bộ lão thành, khi thì gặp nông dân ở các hợp tác xã, tôi càng hiểu thêm con người ông Kim Ngọc. Và hiểu vì sao người dân Vĩnh Phúc yêu mến, ngưỡng mộ ông.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc
Ông sống trong sáng, chân thành, giản dị. Không vừa ý thì quát tháo ầm ĩ nhưng xong thì thôi, không thành kiến, trù dập ai bao giờ. Bà con còn quý trọng và ngưỡng mộ ông vì ông sống liêm khiết, có thể nói là quá liêm khiết.

Ông Kim Ngọc (đội mũ, ngồi hàng đầu bên trái) với bà con dân tộc tại xã Lãng Công, huyện Lập Thạch - Ảnh tư liệu
Ông Kim Ngọc (đội mũ, ngồi hàng đầu bên trái) với bà con dân tộc tại xã Lãng Công, huyện Lập Thạch - Ảnh tư liệu

Mâm cơm của bà con

Mỗi lần đi công tác xuống cơ sở, ông Kim Ngọc và những người đi cùng thường đem cơm nắm và muối vừng theo ăn. Ông từ chối mọi thứ tiệc tùng, chiêu đãi của cấp dưới. Nếu hôm nào không đem theo cơm nắm thì ông vào báo cơm ở bếp tập thể của huyện và dặn đi dặn lại ăn đúng tiêu chuẩn của nhà bếp, không được làm thêm món. Ăn xong, ông thanh toán tem phiếu đàng hoàng. Có người cho rằng ông cứng nhắc, nhưng ông bảo cơ quan huyện hay hợp tác xã lấy đâu ra tiền để chiêu đãi tiệc tùng, tất cả đều ghi vào hóa đơn rồi lấy tiền Nhà nước ra thanh toán. Mà tiền của Nhà nước là do dân đóng góp.

Đấy là nói về bữa cơm của cơ quan hay hợp tác xã chiêu đãi ông. Còn đối với người dân, gặp bữa mời ông ăn cơm thì chẳng mấy khi ông từ chối. Ông lấy những nắm cơm không độn chia cho trẻ con và người già trong gia đình, còn ông ngồi ăn cơm độn khoai, độn sắn cùng những người còn lại hết sức tự nhiên.

Bà Tâm, người xã Liên Châu, kể: “Có lần ông Kim Ngọc vào nhà tôi đúng lúc nhà đang dọn cơm trưa. Tôi mời ông Kim Ngọc, tưởng là mời cho phải phép, không ngờ ông nhận lời khiến cả nhà lúng túng. Ông và những người cùng đi ngồi xuống mâm cơm đặt trên chiếc chiếu rách giữa nền nhà. Ông bẻ mấy nắm cơm chia cho mấy đứa con tôi, còn ông thì bê bát cơm độn khoai ăn ngon lành. Hôm ấy nhà tôi nấu một nồi canh cua với rau mồng tơi. Thấy canh ngon quá, ăn xong một bát ông đưa bát ra nói với tôi: “Canh ngon quá, cô cho tôi thêm một bát canh nữa”. Tôi cười mà nước mắt trào ra”.

Không ít lần ông sà vào mâm cơm của bà con nông dân bóc khoai, bóc sắn ăn rất tự nhiên, ngon lành. Ông Kim Ngọc rất ghét thói bày ra lý do để ngồi chè chén với nhau. Có lần ông đến một hợp tác xã đúng lúc ban quản trị đang mổ lợn để chè chén với lý do họp bàn phương án sản xuất. Ban quản trị mời ông và những người cùng đi ăn cơm. Ông cau mặt bảo: “Các anh mời chúng tôi ăn cơm rồi sau đó quyết toán là mổ lợn mời bí thư có phải không? Các anh ăn công khai của dân như thế này mà không biết nhục hay sao?”. Nói xong ông giận dữ bỏ đi ra đồng gặp gỡ bà con xã viên thăm hỏi chuyện làm ăn. Những người sống cùng thời với ông Kim Ngọc đều có chung nhận xét: ông là con người rất mực liêm khiết, giản dị hiếm thấy, không một chút tư túi.

“Tiền của dân phải trả lại cho dân”

Về thôn Đại Nội, xã Bình Định, quê ông Kim Ngọc, tôi vào thăm ngôi nhà vốn xưa kia là nhà của bố mẹ ông Kim Ngọc để lại. Ngôi nhà không còn nguyên trạng vì có sửa chữa ít nhiều. Mảnh vườn cũng đã bị thu hẹp rất nhiều so với ngày mấy anh em ông Kim Ngọc sinh ra và lớn lên ở đây. Hiện tại ngôi nhà do ông Kim Văn Hoãn, một người cháu họ gọi ông Kim Ngọc bằng bác, ở và trông giữ. Thỉnh thoảng bà Kim Ngọc cùng các con về thắp hương cho tổ tiên ông bà.

Ông Hoãn trở về, cùng đi với ông có năm, sáu người nữa đều là con cháu họ xa họ gần với ông Kim Ngọc. Có người là xã viên, người là học sinh cấp II, cấp III khi ông Kim Ngọc còn sống. Nghe nói chuyện làm phim về ông Kim Ngọc, câu chuyện trở nên rôm rả. Ông Hoãn nói: “Nhiều người không biết cứ nghĩ xã Bình Định chúng tôi có bác Nguộc làm bí thư tỉnh ủy chắc được nhờ nhiều lắm (phần lớn người dân Đại Nội vẫn gọi ông Kim Ngọc bằng tên khai sinh của ông là Nguộc). Thật ra bác Nguộc rất tránh tiếng xấu một người làm quan cả họ được nhờ. Một lần bác ấy về thăm quê, có mấy ông cán bộ ở ủy ban gợi ý bác ấy giúp các thứ vật tư cho xã phát triển sản xuất. Bác Nguộc cười và bảo: Tôi làm bí thư tỉnh ủy lo cho cả tỉnh chứ có phải làm bí thư đảng ủy xã đâu mà tính chuyện lo cho xã”.

Cụ Lê Dân, một người dân ở Đại Nội, kể có lần đi công tác cơ sở, đang lúc mùa cam mấy cán bộ huyện muốn mua một ít biếu tỉnh ủy, nhưng nếu biếu công khai thế nào ông Kim Ngọc cũng không nhận nên cho cam vào bao tải bí mật đem lên xe, chỉ nói cho lái xe biết. Khi về đến cơ quan, xuống xe ông Kim Ngọc thấy cái bao tải để sau xe, hỏi lái xe mới hay đấy là cam của huyện biếu tỉnh ủy.

Ông Kim Ngọc bực lắm, bảo: “Phụ cấp của cán bộ huyện nuôi thân mình chưa đủ lấy đâu tiền mua cam để biếu, thế nào chúng nó cũng lập hóa đơn mua cam biếu tỉnh ủy”. Nói xong ông bảo thông báo cho mọi người ai mua cam thì cân bán cho người ta, thu tiền trả lại cho huyện. Nhiều người can ngăn huyện đã có tấm lòng như vậy thì cứ nhận rồi rút kinh nghiệm sau, song ông Kim Ngọc nhất quyết không chịu. Ông bảo: “Tiền mua cam là tiền của dân phải trả lại cho dân. Chúng nó biếu được một lần, lần sau chúng còn biếu nữa thì ăn nói thế nào với dân”.

Ông Nguyễn Thành Tô - nguyên thư ký riêng của ông Kim Ngọc - kể có lần đến một hợp tác xã, khi gặp gỡ bà con nông dân, bà con phàn nàn với ông Kim Ngọc về chuyện ăn chia công điểm không công bằng. Ông liền ra trụ sở hợp tác xã yêu cầu ban quản trị đưa toàn bộ sổ sách cho ông kiểm tra. Ông lật từng trang, từng dòng xem rất kỹ. Bấy giờ ông mới phát hiện nhà nhiều công điểm nhất là các ông trong ban quản trị, các đội trưởng sản xuất; còn các gia đình neo đơn, gia đình có người đi bộ đội thì có ít công điểm. Xem xong, ông quay sang nói với các cán bộ trong ban quản trị: “Các anh ăn rồi chỉ có ngồi họp và uống rượu, cả tháng không ra đồng lấy một ngày, vì sao công điểm của các anh lại nhiều hơn người nai lưng ra làm ở ngoài đồng?”. Ông Kim Ngọc nói to như quát khiến mấy ông trong ban quản trị mặt cắt không còn một giọt máu.

Những người con của ông Kim Ngọc mà tôi đã gặp như Kim Sơn, Kim Nam, Kim Minh đều nói: “Tất cả sáu anh chị em thành đạt như ngày hôm nay là nhờ những lời dạy bảo nghiêm khắc và tấm gương của bố, chứ chưa khi nào nhờ vả bố bất cứ chuyện gì, nấp dưới bóng của bố để tiến thân càng không”. Ông Kim Ngọc thường dạy các con hãy đi bằng đôi chân của chính mình, nghề nghiệp nào thích hợp với mình nhất thì theo nghề đó, xã hội trọng những người thực tài chứ chẳng ai trọng người nói thì giỏi mà làm thì dở. Ngay trong lúc chiến tranh ở giai đoạn ác liệt nhất, một số người tìm cách chạy chọt cho con mình khỏi ra mặt trận thì người con thứ ba của ông là Kim Nam tình nguyện lên đường nhập ngũ. Biết con đi chưa chắc đã trở về, nhưng ông vẫn động viên con hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ quốc.

Ông Nguyễn Thành Tô kể: “Có lần đang ngồi làm việc, thấy một cán bộ trong cơ quan ngồi tỉ mẩn dùng cái que moi móc những hạt bụi ở chân nan hoa xe đạp của mình, anh Kim Ngọc nói với tôi: Này Tô, cậu xem kìa. Cái xe riêng của mình thì chăm sóc từng li từng tí như vậy, nhưng xe công đi về thì dựng giữa mưa giữa nắng, trăm con mắt nhìn thấy chẳng ai muốn cất. Rồi ngẫu hứng ông đọc luôn mấy câu: Xe tư thì giữ như vàng. Lau từng mắt xích kẽ nan tai hồng. Xe công về quẳng xó nhà. Quét bằng chổi xể giội vài ba thau. Anh Ngọc chịu khó thường xuyên xuống với nông dân, hỏi han và lắng nghe ý kiến của họ. Một hôm đang đi thăm ruộng của nông dân, anh Ngọc hết nhìn đám ruộng năm phần trăm lúa xanh mơn mởn rồi đi đến nhìn vào ruộng lúa của hợp tác xã cây lúa vàng vọt nói với tôi: Ruộng năm phần trăm mới thật sự là ruộng của nông dân, còn ruộng của hợp tác xã là ruộng của những kẻ làm thuê hưởng công. Cậu bảo tôi nói có đúng không”.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

Vân Thảo

[Trở về]

Ý kiến của bạn
 

Họ tên * Email 

Tiêu đề * Mã xác nhận *

Nội dung * (Không quá 100 ký tự, Tiếng Việt có dấu)

 

 

 

Tin tức khác

go to top