eService logo

TRUNG TÂM GIẢI PHÁP DỊCH VỤ SỐ

Giải pháp dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin

TIN TỨC

>Nhân vật và Sự kiện 

 Thứ hai 00:25 21/02/2011 GMT+7

Kim Ngọc - Một trí tuệ “ngược dòng” táo bạo-Kì VIII:Tiễn đưa người ruột thịt

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tình hình lương thực cực kỳ căng thẳng. Cả nước phải ăn độn bo bo, bột mì, sắn khô. Nhiều cửa hàng lương thực không còn gạo để bán cho dân. Chính sách ngăn sông cấm chợ khiến tình hình càng căng thẳng thêm. So với các nơi khác, tình hình ở Vĩnh Phú tuy cũng gặp muôn vàn khó khăn nhưng nhờ có phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp âm thầm “khoán hộ” nên vấn đề lương thực không đến nỗi căng thẳng lắm. Nhiệm vụ khôi phục kinh tế và các vấn đề xã hội khác của thời kỳ hậu chiến đặt lên vai Tỉnh ủy Vĩnh Phú và cá nhân ông Kim Ngọc hết sức nặng nề.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc
Bà Lê Thị Liên, vợ cố bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, bên ngôi nhà do ông Kim Ngọc thiết kế lúc còn sống - Ảnh: Đ.H.Lực
Bà Lê Thị Liên, vợ cố bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, bên ngôi nhà do ông Kim Ngọc thiết kế lúc còn sống - Ảnh: Đ.H.Lực

Dân đang cần anh

Trong khi đó, tình hình sức khỏe của ông Kim Ngọc ngày một sút giảm rõ rệt. Ông bị bệnh dạ dày kinh niên đã mổ hai lần, thêm vào đó là cường độ lao động của ông quá lớn. Đặc biệt sau khi ông bị phê phán, tiếp đó là “khoán hộ” bị đình chỉ, ông lo lắng đến rạc cả người. Ông Nguyễn Thành Tô - nguyên thư ký của ông Kim Ngọc - kể có buổi ông Kim Ngọc đến những hợp tác xã không dám thực hiện khoán mà quay lại làm ăn theo lối cũ, công điểm thấp, vì thế lúa chín trên đồng nhưng bà con không thèm gặt, ông Kim Ngọc đứng bần thần hết thở ra lại thở vào rồi nói giọng rưng rưng: “Thế này thì chết thôi Tô ơi! Xưa nay nông dân coi hạt thóc là hạt vàng mà để lúa chín sắp rụng hết thế này thì lấy gì mà sống!”.

Bước sang năm 1977, sức khỏe ông Kim Ngọc càng yếu, bệnh dạ dày có những triệu chứng bất thường. Tháng 5-1977, nhân chuyến thăm và làm việc ở Vĩnh Phú của Tổng bí thư Lê Duẩn, ông Kim Ngọc đề nghị với trung ương cho ông nghỉ hưu. Tổng bí thư Lê Duẩn bảo: “Dân đang cần anh, anh còn khỏe chưa thể nghỉ được”. Ông Kim Ngọc nói: “Năm nay tôi tròn 60 tuổi, đúng chế độ nghỉ hưu. Đến tuổi nghỉ mà không nghỉ người ta tưởng tôi tham quyền cố vị”.

Tháng 5-1977, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ III, ông Kim Ngọc xin rút khỏi chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, ông Hoàng Quy được đại hội bầu lên thay ông. Như vậy tính cả ba năm bảy tháng làm bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (3-1952 đến 10-1955) và 18 năm 4 tháng (1-1959 đến 5-1977) là bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc rồi sau đó là Vĩnh Phú, ông Kim Ngọc có thâm niên bí thư tỉnh ủy 21 năm 11 tháng.

Về hưu, ông Kim Ngọc từ chối việc cấp nhà, cấp đất ở những nơi được coi là ưu tiên mà chỉ xin một miếng đất bỏ hoang nằm ngoài rìa thị xã Vĩnh Yên làm nơi vui thú điền viên. Mảnh đất rộng khoảng 1.000m2 tách ra khỏi phố phường, một bên là đầm Vạc, một bên là bãi tha ma. Trông nó giống như một bán đảo hoang vu, có lẽ vì thế mà chẳng ai ngó tới.

Có đất rồi, hai ông bà làm một căn nhà cấp bốn để làm nơi lưu trú cho cả gia đình và hết ngày này sang ngày khác cuốc xới quy hoạch cải tạo mảnh đất thành vườn tược để trồng cây lưu niên và các loại rau ăn hằng ngày. Chẳng bao lâu sau, ngôi nhà đơn sơ của ông bà trở thành nơi hội tụ của bạn bè về hưu giống như một câu lạc bộ hưu trí.

Sống nhân đức, vô tư nên ông Kim Ngọc có rất nhiều bạn bè. Không những chỉ cán bộ về hưu mà cả cán bộ đương chức cũng thường lui tới thăm viếng ông. Dù về hưu hay đương chức, câu chuyện bao giờ cũng quay về với bao buồn vui của “khoán hộ”. Nhiều bà con nông dân thỉnh thoảng xách tới biếu ông con gà, cân nếp, cân gạo do họ làm ra nhưng không khi nào ông nhận. Nếu buộc phải nhận thì ông bảo bà Liên đi mua một thứ gì đó biếu lại cho bà con.

Gắn bó với nông dân, với đồng ruộng gần như suốt cả cuộc đời nên xa nó ông nhớ. Thỉnh thoảng ông lại đến với các hợp tác xã chuyện trò bàn cách làm ăn với nông dân. Đi xa thì ông xin xe cơ quan, còn những hợp tác xã nằm quanh vùng ven thị xã thì ông lóc cóc đạp xe đạp.

Con đường đẹp nhất thành phố Vĩnh Yên, trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Phúc,  được mang tên Kim Ngọc - Ảnh: Đ.H.Lực
Con đường đẹp nhất thành phố Vĩnh Yên, trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Phúc, được mang tên Kim Ngọc - Ảnh: Đ.H.Lực

Ra đi

Tháng 5-1979, bệnh dạ dày của ông Kim Ngọc kịch phát phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức. Sau khi hội chẩn, bệnh viện quyết định mổ, mặc dù thể trạng của ông vào thời điểm này rất yếu. Giáo sư Tôn Thất Tùng là người trực tiếp mổ cho ông Kim Ngọc. Bà Kim Ngọc nhớ lại là sau khi mổ xong, giáo sư nói với ông Kim Ngọc: “Với ai tôi không nói nhưng với anh thì tôi nói thật, dạ dày của anh nát như cái bị rách, di căn vào cả gan, tụy”. Ông Kim Ngọc lặng lẽ cười và hỏi: “Tình hình biên giới đã ổn chưa?”. Chưa ai kịp trả lời thì ông ra đi ở tuổi 62. Đó là ngày 26-5-1979.

Tin ông Kim Ngọc mất chẳng bao lâu đã được truyền từ người này sang người khác. Hôm đưa linh cữu ông từ Hà Nội về Phủ Đức - Việt Trì, bà con kéo đến tiễn biệt rất đông. Từ những làng quê ở Vĩnh Phúc đến Việt Trì có những nơi ngót nghét gần trăm cây số nhưng bà con vẫn lặn lội tìm đến đưa tiễn ông. Thôi thì đủ các loại phương tiện. Xe công nông, xe đạp thồ, có những người cuốc bộ suốt đêm.

Hoa để lên mộ ông cũng đủ loại đủ kiểu. Hoa trồng trong sân nhà, hoa sim, hoa mua hái ở trên đồi… Ông Tô nói bà con khóc ông Kim Ngọc chẳng khác gì người ruột thịt của mình. Ngôi mộ đất của ông bình dị nằm cạnh các ngôi mộ khác ròng rã gần 25 năm trời. Vì nhà ở quá xa, đi lại khó khăn nên phần mộ của ông Kim Ngọc không được chăm sóc chu đáo.

Bà Kim Ngọc kể có nhiều lãnh đạo đi công tác, biết mộ ông Kim Ngọc nằm ở Phủ Đức đều ghé thăm. Khi nhìn thấy mộ ông hoang sơ quá, các anh lãnh đạo than phiền không thể để như thế được. Nhiều lần gia đình đề nghị tổ chức giúp đỡ tạo điều kiện chuyển phần mộ ông về nghĩa trang Vĩnh Yên cho gần nhà để tiện việc chăm sóc, nhưng lần lữa mãi đến năm 2004 mới chuyển được. Ngày đưa di hài ông từ Việt Trì về nghĩa trang thành phố Vĩnh Yên, một lần nữa đông đảo bà con lại tụ tập hai bên đường đón ông trở về với tỉnh nhà.

Bà Kim Ngọc kể: “Ông nhà tôi ra đi chẳng thanh thản chút nào. Nhà tôi mất được một hay hai hôm gì đó thì có mấy người, tôi không nhớ là bên thương nghiệp hay tổ chức chính sách đem đến 5 cân gạo, hai gói chè và một cân kẹo bảo là tiêu chuẩn tang lễ của ông Kim Ngọc. Tôi tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại. Bà bảo đúng như vậy. Không những thế, chỉ năm, bảy ngày sau đó bên lương thực và thương nghiệp vào tận nhà thông báo cắt tiêu chuẩn gạo và các loại tem phiếu của ông nhà tôi”. Giọng bà Kim Ngọc nghẹn ngào nghe như một tiếng nấc.

Tôi ngước nhìn lên bức tượng đồng bán thân ông Kim Ngọc đặt trên bàn thờ. Khuôn mặt xương xương khắc khổ đầy vẻ trầm tư. Đôi mắt thông minh và cương nghị của ông đang nhìn vào một cõi xa xăm nào đó.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

Vân Thảo

[Trở về]

Ý kiến của bạn
 

Họ tên * Email 

Tiêu đề * Mã xác nhận *

Nội dung * (Không quá 100 ký tự, Tiếng Việt có dấu)

 

 

 

Tin tức khác

go to top