eService logo

TRUNG TÂM GIẢI PHÁP DỊCH VỤ SỐ

Giải pháp dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin

TIN TỨC

>Nhân vật và Sự kiện 

 Thứ hai 00:37 21/02/2011 GMT+7

Kim Ngọc - Một trí tuệ “ngược dòng” táo bạo-Kì IX: “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”

“Khoán hộ sau đó không chỉ “nổ” ra ở mỗi Vĩnh Phúc - Phú Thọ mà đã “bung” ra một số địa phương miền Bắc như Hải Phòng, Hà Bắc…” - nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ, người từng giữ chức trưởng ban hợp tác xã rồi trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú thời ông Kim Ngọc, kể...

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

Ông Lê Huy Ngọ - nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (trái) và nhà văn Vân Thảo - tác giả kịch bản phim Bí thư tỉnh ủy - do VTV chuẩn bị khởi quay - Ảnh: Đức Bình
Ông Lê Huy Ngọ - nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (trái) và nhà văn Vân Thảo - tác giả kịch bản phim Bí thư tỉnh ủy - do VTV chuẩn bị khởi quay - Ảnh: Đức Bình

Khoán hộ “sửa sai” thành “khoán màu”

Ông Lê Huy Ngọ nhớ lại vào tháng 12-1968, trung ương có chỉ thị về “chấn chỉnh” “khoán hộ”, thực chất là “sửa sai”. Lúc đó, ông Kim Ngọc vẫn là bí thư tỉnh ủy. Và để thực hiện chỉ thị, ông Kim Ngọc vẫn nghiêm chỉnh chấp hành, triển khai hội nghị tiếp thu chỉ thị của trung ương bằng “kế hoạch hai năm” chấn chỉnh “khoán hộ”. Trong hai năm đó, ông Kim Ngọc chỉ đạo tổ chức rất nhiều đoàn công tác về nằm tại huyện, xã để kiểm tra, tiếp thu. Mỗi đoàn do một tỉnh ủy viên phụ trách, và ông Lê Huy Ngọ khi đó cũng được phân công phụ trách một đoàn về kiểm tra tình hình “hậu khoán hộ” ở Đa Phúc, Kim Anh.

Kết quả kiểm tra cho thấy chủ trương dừng “khoán hộ” không được lòng dân. Các xã vẫn triển khai việc chấn chỉnh quản lý đất đai, phương tiện sản xuất, tổ chức các đội hình chuyên về sản xuất như đội làm đất, đội thủy lợi, đội bảo vệ thực vật… nhằm tăng cường sự tham gia của hợp tác xã vào các khâu sản xuất để chống khoán trắng, “khoán hộ”. Nhưng nông dân vẫn tiếp tục âm thầm “khoán chui”. Họ vẫn muốn cả hộ gia đình làm từ đầu đến cuối.

Ông Ngọ kể: “Màu không giống như lúa, một năm có thể làm nhiều vụ, chăm sóc cũng nhiều thời gian và tốn công hơn, chưa mưa đã phải lo chống úng, chưa nắng đã lo tưới, dân cho rằng chỉ có bản thân gia đình họ mới làm được màu, không thể trông cậy vào các đội chuyên của hợp tác xã. Cơ sở nhìn thấy rõ những cái được của khoán nên vẫn xin chủ trương của tỉnh cho khoán màu”.

Kết quả thu được sau hai năm “sửa sai” chống khoán trắng, “khoán hộ” đã rõ, nếu ngừng khoán là dân đói, mấy năm “khoán chui” thí điểm càng minh chứng điều đó. Tháng 8-1979, ba tháng sau khi ông Kim Ngọc mất, Tỉnh ủy Vĩnh Phú ra nghị quyết chấp nhận “khoán dài ngày đối với người và nhóm người sản xuất hoa màu”. Người dân mừng ra mặt. Bởi thực tế “khoán dài ngày đối với người và nhóm người” thì khác gì “khoán hộ”, chỉ là một cách nói khác.

“Khoán màu” rồi lại nảy sinh một vấn đề phức tạp khác: trên cùng một diện tích đất không thể phân biệt chính xác thời điểm nào khoán, thời điểm nào không, vì thực tế một thửa ruộng bao giờ cũng một năm hai vụ lúa một vụ màu, hoặc hai vụ màu một vụ lúa, khó mà rạch ròi được. Năm 1980, Tỉnh ủy Vĩnh Phú quyết định cho thực hiện khoán cả với cây lúa. Vậy là thực tế người dân vẫn tiếp tục được thực hiện khoán cả màu cả lúa, ngay cả trong thời kỳ “sửa sai”, ngay cả thời kỳ bí thư Kim Ngọc bị kiểm điểm căng thẳng nhất, cả khi ông đã về hưu.

Bà Lê Thị Liên - vợ cố bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - trước tượng chân dung ông Kim Ngọc được đúc bằng đồng do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng - Ảnh: ĐỖ HỮU LỰC
Bà Lê Thị Liên - vợ cố bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - trước tượng chân dung ông Kim Ngọc được đúc bằng đồng do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng - Ảnh: ĐỖ HỮU LỰC

Tiến lên “khoán rừng”

Năm 1980-1981 Vĩnh Phú lại tiếp tục đột phá bằng việc “khoán rừng”. Tổng công trình sư lúc này là bí thư Tỉnh ủy Hoàng Quy và người trực tiếp triển khai là trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh Lê Huy Ngọ (từ năm 1982 ông Ngọ làm chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú). Ông Ngọ nhớ lại khi đó để cung cấp nguyên liệu gỗ cho Nhà máy giấy Bãi Bằng, tỉnh đã cho thành lập 18 lâm trường để trồng - quản lý, khai thác gỗ rừng cung cấp cho nhà máy giấy. Nhưng thực tế rừng khai thác dễ, trồng cũng tốt nhưng không giữ được rừng. Công suất nhà máy 5 vạn tấn giấy một năm, cần ít nhất 25 vạn tấn nguyên liệu nhưng năm nào cũng chỉ đạt 2,5-3 vạn tấn.

Vì sao không giữ được rừng? Bí thư Hoàng Quy day dứt đặt câu hỏi với tất cả đồng sự của mình và ông Ngọ trả lời lãnh đạo: “Dân Phú Thọ bao đời nay vốn chỉ sống dựa vào đồi và rừng. Bây giờ, rừng do các lâm trường nhà nước quản lý nên người dân không có quyền vào rừng khai thác nữa. Họ đói, và thế là họ làm liều phá rừng”

. Cũng như ông Kim Ngọc, ông Hoàng Quy lại đưa cán bộ của mình về cơ sở, tìm kiếm giải pháp trong dân. Khi đó, tại huyện Đoan Hùng, ở nhiều hộ dân đã xuất hiện mô hình rừng - vườn. Rừng ở ngay sau nhà. Dưới tán rừng trẩu, rừng dổi, rừng keo lá tràm là mít, là dứa, là chè. Dưới bóng mát của rừng, dân thả trâu, đào ao nuôi cá. Dân bán gỗ khai thác cho nhà máy giấy của Nhà nước, còn sản phẩm phụ dưới tán rừng là của họ, thu nhập rất khá. Mô hình RVAC. Tức vừa trồng rừng kết hợp vườn, ao, chuồng.

Bí thư Hoàng Quy lại “vặn” ông Lê Huy Ngọ: “Sao dân làm được mà mình không làm được?”. Ông Ngọ trả lời sau khi đã nghiên cứu rất kỹ và đắn đo cũng nhiều: “Dân làm được vì dân kinh doanh tổng hợp dưới tán rừng, trong khi lâm trường chỉ độc canh một loại cây. Dân giữ được rừng vì họ ý thức rõ ràng về quyền sở hữu, của họ thì họ mới bảo vệ, không ai vào đó mà phá được”. Cùng sự thí điểm của Đoan Hùng, sau đó cả hai huyện Thanh Sơn và Hạ Hòa lần lượt từng bước nhân rộng mô hình rừng - vườn.

Vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, ông Hoàng Quy giao cho ông Lê Huy Ngọ tổ chức một hội thảo đông đủ các chủ nhiệm hợp tác xã và cả giám đốc nhà máy giấy. Nhà máy giấy cam đoan nếu nông dân vẫn tiếp tục được giao rừng và mở rộng trồng rừng theo mô hình mới, nhà máy sẽ nâng công suất lên 10 vạn tấn/năm (gấp đôi công suất cũ). Để yên tâm hoàn toàn, Vĩnh Phú mở một hội thảo quốc gia về vấn đề rừng - vườn, các nhà khoa học đầu ngành về trồng rừng, về môi trường, về kinh tế đều được mời tham dự.

Được bí thư tỉnh ủy bật đèn xanh, trưởng Ty Nông nghiệp Lê Huy Ngọ trình bày “Kế hoạch kinh doanh rừng tổng hợp đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy giấy và nâng cao đời sống người dân”. Kế hoạch được thông qua, đi vào nghị quyết tỉnh ủy, và thực chất Vĩnh Phú đã là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc “khoán rừng”, hai năm sau khi “bí thư khoán hộ” Kim Ngọc qua đời.

Kì I:  Cuộc đời và sự nghiệp   Kì II:  Làm ăn như thế đói là phải   Kì III:   Một quyết định táo bạo   Kì IV:  Như lưỡi tầm sét   Kì V:  “Khoán chui”   Kì VI:  “Phục hồi khoán hộ”   Kì VII:  Tất cả là của dân   Kì VIII:   Tiễn đưa người ruột thịt   Kì IX:   “Khoán hộ” thời “hậu Kim Ngọc”   Kì X:   Tình văn nghệ của Bí thư Kim Ngọc

VIỆT HOÀI - ĐỨC BÌNH

[Trở về]

Ý kiến của bạn
 

Họ tên * Email 

Tiêu đề * Mã xác nhận *

Nội dung * (Không quá 100 ký tự, Tiếng Việt có dấu)

 

 

 

Tin tức khác

go to top